Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

Trang phục xường xám Trung Quốc

SƯỜN XÁM TRUNG QUỐC

Mỗi một đất nước đều có trang phục truyền thống của riêng mình, nó thể hiện nguồn gốc văn hóa của con người trong xã hội. Vậy bạn có từng tò mò về trang phục truyền thống của Trung Quốc bao giờ chưa? Bật mí cho bạn nhé, sườn xám, hay xường xám (tiếng Trung 旗袍 /qí páo/) chính là một trong những trang phục đặc trưng của đất nước Trung Quốc đấy. 

Xem thêm các bài viết về văn hóa Trung Quốc



1. Nguồn gốc, lịch sử hình thành của sườn xám


Sườn xám là trang phục thể hiện được tuyệt vời nhất vẻ đẹp của người phụ nữ Trung Quốc. Người ta cho rằng sườn xám ra đời ở Thưởng Hải vào những năm 1920. Vào thời điểm đó, Thượng Hải chịu ảnh hưởng sâu sắc của những tư tưởng phương Tây trong cả văn hóa và chính trị. Làn sóng nữ quyền diễn ra mạnh mẽ, người ta thay đổi sự bảo thủ trong khuôn mẫu trang phục cũ, có xu hướng bớt rườm rà hơn, thanh lịch và tập trung vào vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ. Nhiều quan điểm cho rằng, sườn xám là sự pha trộn giữa trang phục của phụ nữ nhà Thanh và trang phục của phụ nữ thời Dân Quốc, tuy nhiên phần đông nhất trí rằng sườn xám là chỉ trang phục của phụ nữ thời Trung Hoa Dân Quốc, từ sau những năm 1920.

Từ những năm 1930 đến 1940 là thời kỳ rực rỡ nhất của sườn xám Trung Quốc. Đặc biệt là vào những năm 1930, sườn xám đã trở thành một phần không thể thay thế được đối với người phụ nữ, trở thành một biểu tượng tiêu biểu cho trang phục của phụ nữ Trung Quốc. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, sườn xám không còn được ủng hộ như trước. Tuy nhiên, những người dân Thượng Hải khi chạy trốn sang Hồng Kông đã mang theo trang phục truyền thống này và tiếp tục kéo dài thời kì thịnh vượng của nó tại đây.

2. Kiểu dáng, họa tiết của sườn xám


Có rất nhiều kiểu dáng của sườn xám, có thể phân loại sườn xám theo kiểu vạt áo như kiểu vạt áo vát một bên dưới cánh tay, kiểu vạt áo vát một bên dưới hông, kiểu vạt áo vát hai bên dưới cánh tay, kiểu ngực áo 1 bên dài thẳng, kiểu không có vạt ngực áo… hoặc phân loại theo kiểu tay áo: tay dài, tay rộng, tay lỡ,… hay theo kiểu cổ áo thường, cổ vạt cao, cổ bẻ, áo không cổ, cổ lá trúc, cổ khoét ngực…..

Các hoa văn trên sườn xám thời nhà Thanh chủ yếu dựa trên thủ pháp phác họa, các hoa văn này thường là rồng và kỳ lân, phượng hoàng cùng tiên hạc trắng, bát tiên,… Ngày nay, các hoa văn trên sườn xám thường sử dụng các thiết kế tranh thủy mặc của Trung Quốc.