Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

Chữ Đức trong tiếng Trung Quốc

Tìm hiểu về chữ Đức 德 dé trong tiếng Trung
“Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.”
Dù bạn là một dân học tiếng Trung chính hiệu hay đơn giản chỉ là mới tiếp xúc với Hán tự, chắc chắn không thể không biết câu thơ kinh điển để nhớ chữ đức (德) này. Với câu thơ lục bát này, bạn có thể rất dễ dàng nhớ cách viết cũng như thứ tự các nét của chữ đức, thế nhưng có bao giờ bạn tự hỏi liệu rằng ý nghĩa sâu xa của nó liệu có đơn giản như cách viết, cách nhớ? Vậy thì hôm nay, Trung tâm tiếng Trung Ánh Dương sẽ cùng bạn đi tìm hiểu về thêm về chữ đức (德) tưởng chừng như đã rất quen thuộc này nhé! 

Ý nghĩa của chữ đức 德 

Chữ đức trong tiếng Trung là 德 dé, âm Hán Việt là “đức”, ý nghĩa chỉ đạo đức, phẩm hạnh, phẩm chất, tấm lòng.
Chữ đức được tạo thành từ năm bộ thủ: bộ xích (bộ chim chích) (彳), bộ thập ( 十) , bộ mục(目), bộ nhất( 一) và bộ tâm(心). Chính vì vậy chữ đức (德) hoàn toàn có thể được hiểu khi chúng ta phân tích ý nghĩa của các bộ thủ. 
Bộ xích (彳): ý chỉ những bước chân chậm rãi, từ từ, thỏng thả, trường kì. Bộ xích trong chữ đức có thể hiểu là muốn rèn “đức” hay bất kì một phẩm chất nào cũng vậy cũng cần có thời gian rèn luyện, phải tích lũy từng chút từng chút, không phải một bước mà thành.
Bộ thập (十): với nghĩa đen là mười. Tuy nhiên, có thể hiểu rộng ra là sự đầy đủ, trọn vẹn, thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, ngoài ra chữ thập cũng ngụ ý là thế giới mười phương, bốn phương tám hướng. Bộ thập xuất hiện trong chữ đức với ý nghĩa là dù ở đâu, ở phương nào cũng cần dùng đạo đức, đức hạnh để đối xử với người khác.
Bộ mục (目): nghĩa là mắt, ý nói người có đức là người có con mắt tinh tường, có thể phân biệt thị phi, đúng sai, thật giả.
Bộ nhất (一): có nghĩa là một. Nhiều người cho rằng chữ nhất nghĩa là số 1 nên nó đơn giản nhất, thế nhưng trên thực tế bộ nhất khi đặt vào chữ đức lại có ý tổng thể, toàn bộ, ngụ ý người có đức là người biết lấy đại cục làm trọng, không tư lợi.
Bộ tâm (心): có nghĩa là tâm. Hiển nhiên rằng một người muốn tu dưỡng đạo đức thì phải tu dưỡng nội tâm. Tâm là tâm hồn, là tấm lòng, là cái bên trong chân thật nhất của của con người. Một người có đức chính là một người có tâm.
Có thể nói, chữ “đức” của một con người ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời của người đó. Bởi “có tài mà không có đức làm việc gì cũng khó”. Chữ đức ít nhiều ảnh hưởng đến sự hạnh phúc của con người. Lão tử cũng đã từng nói
万物莫不尊道而贵德/ Wànwù mòbù zūn dào ér guì dé
(vạn vật mạc bất tôn đạo nhi quý đức) 
Có nghĩa là muôn vật đều tôn trọng đạo và quý trọng đức.