Chữ Hán là một trong những loại văn tự lâu đời nhất trên thế giới và thư pháp chữ Hán chính là nghệ thuật viết chữ đẹp của người Trung Quốc. Trong bài viết ngày hôm nay, Tiếng Trung Ánh Dương xin giới thiệu với các bạn về nghệ thuật thư pháp và những kiểu chữ thư pháp phổ biến nhé.
1. Các thể chữ thư pháp chữ Hán
Hiểu một cách đơn giản, thư pháp (书法) là các cách viết các chữ Hán, biểu hiện được đặc điểm và hàm ý của các chữ đó, khiến chúng trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Thư pháp chữ Hán được chia thành thư pháp bút cứng và thư pháp bút mềm.
Từ xưa đến nay, về các thể chữ thư pháp có năm loại chính: Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo. Những thể chữ này không ngừng biến đổi tùy theo sự phát triển của lịch sử và đời sống xã hội.
Triện thư (篆书), hay còn gọi là chữ Triện, là một kiểu chữ thư pháp Trung Quốc cổ. Tuy nhiên theo ghi chép, chữ Triện không phải là loại văn tự xuất hiện đầu tiên, mà là những chữ tượng hình được khắc trên mai rùa hay xương động vật, gọi là “Giáp cốt văn”. Đến thời Chu Tuyên Vương, một vị quan thái sử đã chỉnh lý những cổ văn thành một thể chữ mới, gọi là chữ Đại Triện. Ở giai đoạn này, không có một loại chữ viết thống nhất. Đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, lập ra nhà Tần, đồng thời ông cũng hợp nhất và chỉnh sửa các thể chữ trước đó, tạo ra thể chữ “Tiểu Triện”, chính là thể chữ Triện hiện giờ. Đây có thể coi là kiểu chữ thống nhất đầu tiên của Trung Quốc.
Sau này, bởi vì chữ Triện viết rất phức tạp, và cũng khá tốn sức, nên người đã đã sáng tạo ra thể chữ Lệ (隶书). Chữ Lệ có cách viết đơn giản hơn, nét bút cũng đơn giản hơn các thể chữ trước đó. Chữ Lệ được sử dụng phổ biến ở thời Hán, nét đặc sắc của nó là tự hình mở rộng sang hai bên, nét chữ cứng cỏi, gấp vuông, phóng khoáng, nét bút lên xuống, nặng nhẹ rõ ràng.
Thời Hán còn xuất hiện Hành thư, Thảo thư và Khải thư. Vì để tăng nhanh tốc độ viết, nên khi viết người ta thường nối liền nét bút trên với dưới, dần dần hình thành Thảo thư (草书). Đặc điểm của thể chữ này là viết rất nhanh, nét bút đơn giản, tuy nhiên rất khó để người đọc nhận được mặt chữ. Có chữ Hán khi viết ở các thể khác cần nhiều nét nhưng với Thảo thư thì chỉ cần một nét, vì thế nên Thảo thư thường được dùng để tốc ký, viết nháp bản thảo. Một thể chữ thảo rất nổi tiếng đó là “Cuồng thảo” (狂草) của Hoài Tố, khi nhiều chữ có thể nối với nhau chỉ bằng một nét.
Thể chữ Hành (行书) là một thể chữ bắt nguồn từ chữ Thảo, tuy nhiên Hành thư dễ đọc và dễ nhận biết hơn chữ Thảo. Hành thư chia làm hai thể: một thể là chân hành, lối viết rõ ràng, quy củ, gần với Khải thư; một thể là hành thảo, lối viết khá phóng túng, gần với Thảo thư.
Cùng thời, trong khi sử dụng Lệ thư, người ta cho rằng cách viết từng nét từng nét của Lệ thư quá phiền phức, đồng thời cũng không thích Thảo thư vì khó nhận chữ. Cho nên, người ta đã dựa trên nền tảng thể chữ Lệ sáng tạo ra thể chữ Khải (楷书). Khải thư là thể chữ tiêu chuẩn, đặc điểm của thể chữ này là ngay ngắn, rõ ràng, dễ nhận và dễ nhìn. Hiện nay trên báo chí, sách vở chúng ta đều có thể bắt gặp Khải thư. Việc học thư pháp từ xưa đến nay đều bắt đầu từ Khải thư, khi thuần thục với chuyển sang Hành thư, Thảo thư, Triện thư hay Lệ thư.
2. Ý nghĩa của tranh thư pháp
Người Châu Á rất chuộng thư pháp, theo phong thủy, thư pháp tượng trưng cho thành quả cuối cùng của khí lực được thể hiện qua hành động, loại khí này hài hòa với khí của môi trường để mang đến vận may. Vì vậy, tranh thư pháp được xem là thể hiện của những điều tốt đẹp, mang lại may mắn cho gia chủ, nhắc nhở mọi người về cách sống, sự hoàn thiện nhân cách. Đồng thời tranh thư pháp cũng thể hiện cái tâm tính và tài năng của người viết.
3. Những chữ Hán thường được viết thư pháp
a. Chữ Phúc (福)
Ý nghĩa chữ Phúc ám chỉ hạnh phúc, sự may mắn. Ngày xuân treo chữ Phúc, thể hiện ước vọng, mong đợi của con người vào một cuộc sống hạnh phúc. Ở Trung Quốc, người ta thường treo chữ Phúc trước cửa với ngụ ý “Mở cửa đón phúc”
b. Chữ Lộc(禄)
Chữ Lộc 禄 có nghĩa gốc là phúc khí, tốt lành, bổng lộc. Người xưa coi việc có thể hưởng bổng lộc triều đình là nguyện vọng chính của mình, đồng thời quan lộc cũng là một loại đại diện cho sự vinh dự
c. Chữ Thọ (寿)
Chữ Thọ trong tiếng Hán có nghĩa là sống lâu, trường thọ (Phúc như Đông Hải, Thọ tựa Nam Sơn / 福如东海,寿比南山). Vì vậy, khi tặng người khác tranh thư pháp chữ Thọ, thường ngụ ý mong muốn người đó khỏe mạnh, trường thọ.
d. Chữ An (安)
Chữ An trong tiếng Hán là một chữ được nhiều người chọn trong tục xin chữ đầu năm mới với mong muốn có một năm an bình, hạnh phúc
e. Chữ Nhẫn (忍)
Chữ Nhẫn trong chữ Hán gồm bộ Đao (刀) ở trên bộ Tâm (心). Lưỡi đao ở ngay trên tâm, ngụ ý nếu như gặp chuyện mà không biết nhẫn nhịn thì sẽ khó tránh khỏi đau đớn. Khi tặng chữ Nhẫn, ngụ ý muốn khuyên nhủ người ta nên biết nhẫn nhịn, giữ “tâm” luôn sáng suốt, tránh vọng động, có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành an, chuyển bại thành thắng.
f. Chữ Đức (德)
Trong cuộc sống, Tâm và Đức làm nên vẻ đẹp của con người. Vẻ đẹp ấy tạo nên sự khác biệt căn bản giữa con người và động vật. Nói đến chữ Đức chính là nói về đạo đức con người, là luôn đồng nghĩa với những điều tốt đẹp. Tranh chữ Đức mang đến cho mỗi người một quan niệm sống tốt, tự răn dạy bản thân mình sống sao cho ý nghĩa, có ích với xã hội.
g. Chữ Tâm (心)
Chữ Tâm có rất nhiều ý nghĩa, tuy nhiên về cơ bản, nó mang ngụ ý con người có thể và cần phải điều chỉnh đào luyện cái tâm của mình, nỗ lực thanh lọc tâm được thanh tịnh, giải thoát tâm khỏi tham ái, dục vọng, ích kỷ, hận thù. Con người ai cũng có thiện tâm thì thế giới sẽ trụ yên mãi mãi, con người có ác tâm thì thế giới sẽ hủy diệt.
Vậy là Tiếng Trung Ánh Dương đã cùng các bạn tìm hiểu một số nét cơ bản về thư pháp chữ Hán, hy vọng qua bài viết này có thể đem lại cho các bạn cái nhìn tổng quát nhất về nghệ thuật thư pháp Trung Quốc. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét