Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Giới thiệu về chiết tự chữ Hán

1. Giới thiệu về chiết tự chữ Hán

Chiết tự là gì? Chiết nghĩa là bẻ gãy, tự là chữ. Chiết tự ý nói rằng chữ được bẻ ra thành nhiều thành phần nhỏ để phân tích sau đó xâu chuỗi và giải nghĩa cho toàn bộ chữ. Học chữ Hán theo phương pháp chiết tự là một phương pháp học chữ rất hiệu quả bởi thông qua việc phân tích các thành phần cấu tạo nên chữ như các bộ, vị trí các bộ, câu chuyện hình thành nên chữ, người học sẽ nhớ nghĩa chữ Hán và cách viết chữ Hán được rất lâu. 

Ví dụ ta chiết tự chữ 好 Hǎo: Hay, ngon, tốt, đẹp….Chữ 好 bao gồm Bộ Nữ 女 nói về con gái, phụ nữ và bộ Tử 子 nói về người con, con trai. Người phụ nữ sinh được đứa con là điều tốt đẹp, nên chữ này mang nhiều nghĩa hay và tốt đẹp như hay, ngon, đẹp….

Chữ 大 dà nghĩa là to, lớn có thể nhớ nghĩa theo cách chiết tự như sau: Chữ 大 gồm có bộ nhân 人 nghĩa là người và bộ nhất 一. Khi đứng trước biển cả to lớn mênh mông, mọi người thường dang rộng hai tay ra. Chữ 大 giống hình ảnh một người đang đứng thẳng dang rộng tay ra nghĩa là to, lớn.

Chiết tự chữ 德 Dé (chữ Đức)
Bộ 彳 Xích, hay còn gọi là bộ chim chích
Bộ thập 十:số 10
Bộ tứ 四:số 4
Bộ nhất 一:số 1
Bộ tâm nằm 心:tim, lòng

Chúng ta có thể nhớ chữ 德 Dé (chữ Đức) qua vần thơ: 
Chim chích mà đậu cành tre (彳)
Thập trên tứ dưới, nhất đè chữ tâm

Trong cách học chữ Hán theo phương pháp chiết tự, ngoài việc phân tích cách ghép các bộ trong tiếng Trung, chiết tự thường đi kèm với những vần thơ dễ nhớ, dễ thuộc để mô tả lại những thành phần đó. Chúng ta hãy cùng học những vần thơ kinh điển trong phương pháp học chữ Hán sau:
Đất thì là đất bùn ao,
Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.
Con ai mà đứng ở đây,
Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào. (Chữ hiếu 孝)

Chữ hiếu 孝 nghĩa là hiếu thảo. Câu thơ “đất thì là đất bùn ao” để chỉ trong chữ hiếu 孝 có bộ thổ 土 liên quan tới đất bùn.
Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay: để chỉ nét phẩy nghiêng được viết bên cạnh bộ thổ 土
Câu thơ “Con ai mà đứng ở đây” chỉ bộ Tử 子 được viết ở phía dưới bộ thổ 土, bộ Tử 子 có ý nghĩa chỉ đứa bé, đứa trẻ, bộ Tử 子 được viết sát với nét phẩy được ví như cây sào, nên mới có câu thơ: Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào. 

Cô kia đội nón chờ ai
Hay cô yên phận đứng hoài thế cô. (Chữ an 安)

Chữ an 安 có bộ nữ 女 chỉ cô gái, và bộ 宀 Miên: Mái nhà, bộ 宀 Miên có hình dáng giống như chiêc nón được viết phía trên bộ Nữ 女 giống hình ảnh cô gái đang đội nón, nên ta mới có câu thơ Cô kia đội nón chờ ai dùng để miêu tả chữ này, và chữ an 安 có nghĩa là yên ổn, an toàn nên dùng câu thơ: Hay cô yên phận đứng hoài thế cô để miêu tả ý nghĩa của chữ an 安.

Con dê ăn cỏ đầu non,
Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi. (Chữ mỹ 美)

Chữ mỹ 美 có nghĩa là đẹp, bao gồm bộ 羊 Dương chỉ con dê và chữ  đại 大 phía dưới. Để chữ viết được gọn, bộ 羊 Dương, mất phần đuôi phía dưới, nên mới có câu thơ “Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi” dùng để miêu tả chữ này.

Thương em, anh muốn nên duyên,
Sợ e em có chữ thiên trồi đầu (Chữ phu 夫)

Chữ phu 夫 nhìn gần giống chữ Thiên 天, nhưng nét phẩy nhô cao lên trên, nên câu thơ có ý nghĩa là thương em anh muốn nên duyên nhưng sợ e em có chữ thiên trồi đầu nghĩa là sợ em đã là gái đã có chồng rồi. 

Khen cho thằng nhỏ có tài,
Đầu đội cái mão đứng hoài trăm năm. (Chữ dũng 勇)

Chữ dũng 勇 nghĩa là dũng cảm, gan dạ, phía trên là chữ 甬, giống như hình chiếc mũ, phía dưới là bộ Lực 力 để chỉ sức mạnh, sức lực. Cả chữ giống hình ảnh một cậu bé đội chiếc mũ, dáng đứng tràn đầy dũng khí, sức mạnh.

Ruộng kia ai cất lên cao,
Nửa vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời. (Chữ tư 思)

Chữ tư 思 có ý nghĩa là tương tư, nhớ nhung, chữ này bao gồm bộ điền 田 được viết ở phía trên,vì vậy mới có câu thơ “Ruộng kia ai cất lên cao”. Phía dưới có bộ tâm nằm 心,bộ tâm nằm trông giống như vầng trăng khuyết, có 3 nét chấm xung quanh giống như ba ngôi sao giữa trời.

Hai người đứng giữa cội cây,
Tao chẳng thấy mày, mày chẳng thấy tao (chữ  Lai dạng phồn thể 來)
Chữ Lai 来 có nghĩa là đến, tới. Hai câu thơ này miêu tả chữ Lai dạng phồn thể 來, gồm bộ mộc 木 ở giữa để chỉ cây cối, hai bên bộ mộc là hai chữ nhân 人. Còn chữ Lai giản thể 来 nhìn trông gọn hơn, hai chữ nhân được thay thế bằng hai nét chấm ở hai bên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét