Các món ăn truyền thống của người Trung Quốc trong ngày lễ
Nền ẩm thực Trung Hoa vô cùng đa dạng và đặc sắc. Trung Quốc cũng có rất nhiều ngày lễ truyền thống, mỗi một ngày lễ đều có lịch sử lâu đời và bao hàm ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Mỗi một ngày lễ lại đi kèm với một món ăn ngon. Hãy cùng Tiếng Trung Ánh Dương tìm hiểu xem người Trung Quốc ăn gì trong các ngày lễ, dịp đặc biệt trong năm nhé
1. Món ăn ngày Tết
Tết âm lịch là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất của người Trung Quốc. Người Trung Quốc đón Tết âm lịch nhà nhà đều tổ chức các hoạt động đón năm mới, trong đó ẩm thực là một trong những nội dung quan trọng. Những món ăn truyền thống của Trung Quốc trong dịp Tết âm lịch thường bao gồm:
Cơm tất niên
Vào đêm giao thừa người Trung Quốc sẽ một nhà đoàn viên cùng nhau ăn bữa cơm tất niên. Các thành viên trong gia đình không phân già trẻ lớn bé đều cùng nhau ăn cơm, những thành viên ở nhà nhất định phải đợi đến khi cả nhà đến đông đủ mới có thể đụng đũa, và cũng phải chuẩn bị bát đũa cho cả những thành viên chưa thể về nhà, để tượng trưng cho gia đình đoàn viên.
Cơm tất niên nên ăn chậm, mỗi món ăn đều phải ăn một miếng. Có vài món ăn không thể thiếu được trong các bữa cơm tất niên, vì nó mang ý nghĩa may mắn, cát tường như: 长年菜 /chángnián cài/: rau trường niên (cải bẹ xanh) phải ăn từng cọng từng cọng một từ đầu đến cuối như vậy thì đầu năm mới có thể lâu dài; 菜头 :/cài tóu/:củ cải, biểu thị điềm tốt lành; 全鸡 /quán jī/: gà để nguyên con, tượng trưng cho cả nhà hạnh phúc ( vì 鸡 /jī/ và 家 /jiā/ phát âm gần giống nhau); ăn cá viên, tôm viên, thịt viên mang ý nghĩa thi đậu tam nguyên (trạng nguyên, hội nguyên, giải nguyên). Trên bàn ăn duy nhất có cá là không được ăn, để biểu thị ý nghĩa 年年有余/ niánnián yǒuyú/: năm này qua năm khác đều dư dả, vì 鱼 /yú/ (cá) đồng âm với 余 /yú/(dư thừa).
饺子 /jiǎo·zi/: Bánh chẻo
Hầu hết các gia đình người Trung Quốc ở miền bắc vào mùng 1 tháng Giêng đều ăn bánh chẻo. Bữa bánh chẻo này khác với những bữa bánh chẻo khác trong năm. Bữa bánh chẻo này phải được gói xong trong đêm giao thừa, đến 12 giờ đêm mới mang ra ăn. Ăn bánh chẻo với ý nghĩa đón thêm một tuổi mới. Phong tục này bắt đầu từ đầu thời nhà Minh. Tờ mờ sáng mùng Một, các gia đình người miền bắc Trung Quốc đều ăn bánh chẻo, để đón may mắn cát tường, người miền Bắc thường bỏ tiền xu, đường, lạc, táo(một dạng táo giống như táo tàu) và hạt dẻ,... gói lại cùng với nhân thịt. Người ăn phải tiền xu, tượng trưng cho năm mới phát tài, người ăn phải đường tượng trưng cho những ngày tháng của năm sau sẽ càng thêm ngọt ngào, vui vẻ; người ăn phải nhân lạc tượng trưng cho an khang trường thọ,...
年糕 /nián gāo/ hay còn gọi là 黏糕: Bánh Tổ
Bánh dùng bột gạo nếp và bột hạt kê làm thành, ngụ ý sự thịnh vượng, tiến bộ, luôn đi lên. Theo tiếng Trung, 糕 /gāo/ là bánh, 黏 /nián/ là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng sẽ luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững. Đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Trung Quốc, nó tượng trưng cho sự gắn bó và tình yêu thương bền vững của người thân trong gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét